Bản tin trong nước
Trồng cỏ ngọt phải đầu tư đồng bộ
10/06/2012 17:14:49

Với độ ngọt cao gấp 300 lần mía đường, được mệnh danh là “đường của thế kỷ XXI” hay “chất ngọt hoàng gia”, cỏ ngọt đang được nông dân nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội đưa vào trồng.

 

 

Hiệu quả từ mô hình cỏ ngọt

Cỏ ngọt cho thu hoạch 5 - 6 lứa/năm, sau 4 năm mới phải trồng lại cây mới. Hơn nữa, giống cây này ít sâu bệnh, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hạn chế nên chi phí sản xuất thấp. Theo tính toán, tổng chi phí trồng cỏ ngọt năm thứ nhất là 85,3 triệu đồng/ha, năm thứ hai là 50,8 triệu đồng/ha. Mỗi hecta cỏ ngọt thu được khoảng 7 tấn cây khô, doanh thu đạt 210 triệu đồng/ha, trừ chi phí đi cho thu 130 – 150 triệu đồng/ha.

 

    

 

              Cây cỏ ngọt đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế ở các tỉnh Bắc Giang, Hòa Bình...

Cỏ ngọt đã được đưa vào trồng tại Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nội, Hòa Bình, Hưng Yên, Thái Bình, Nghệ An, Lâm Đồng… Qua kết quả nghiên cứu, khảo nghiệm, sản xuất thử cho thấy cỏ ngọt phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của nhiều vùng sinh thái tại Việt Nam. Năng suất bình quân đạt 6 – 9 tấn lá khô/ha. Theo GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, cỏ ngọt là loại thảo dược không calo, ngọt tự nhiên, độ ngọt cao gấp 250 – 300 lần đường mía. Đây là cây trồng có giá trị kinh tế cao, thân thiện với môi trường, có thị trường tiềm năng và là hướng đi mới cho nông nghiệp Việt Nam. 

 

Phải sản xuất đồng bộ

Trước những thông tin khả quan về cây cỏ ngọt, thời gian gần đây nhiều nông dân ngoại thành đã tìm đến mua giống về trồng. Anh Nguyễn Ngọc Chiến, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng vừa đầu tư trên 20 triệu đồng xây dựng hệ thống tưới nước tự động để trồng một héc ta cỏ ngọt ở Hòa Lạc cho biết: “Nghe bạn bè nói về giống cỏ ngọt hay quá nên trồng thử xem hiệu quả ra sao”. Tại vườn cỏ ngọt của gia đình anh Hòa, tôi gặp anh Nguyễn Quốc Tài, thôn Cổ Điển, xã Hải Bối, huyện Đông Anh cũng đến tìm hiểu để đưa cây cỏ ngọt về trồng trên diện tích 5ha ở bãi giữa sông Hồng thay cho vườn cây ăn quả.

Mặc dù là giống cây có triển vọng phát triển nhưng hiện nay người nông dân nên tránh cách làm ồ ạt bởi Việt Nam vẫn chưa chủ động được công nghệ chế biến cỏ ngọt. Theo GS.VS Trần Đình Long, những năm gần đây diện tích cỏ ngọt của nước ta chỉ đạt 100ha do chưa có giống tốt, chưa được đầu tư thỏa đáng. Đặc biệt, sản xuất còn manh mún, mang tính tự phát và đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định. Ông Long cho rằng, cỏ ngọt đòi hỏi ứng dụng công nghệ cao từ khâu nhân giống cho đến canh tác và đặc biệt là hệ thống thiết bị tinh chế. Tuy nhiên, mỗi dây chuyền đầu tư công nghệ chế biến khoảng 5 triệu USD. Do đó, Nhà nước cần sớm có chính sách kêu gọi các nhà đầu tư, đầu tư vào dây chuyền chế biến cỏ ngọt ngay tại trong nước. Đồng thời, quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu ổn định.

 

Bộ NN&PTNT vừa đề nghị Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam phối hợp với Cục Trồng trọt, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và một số đơn vị chuyên môn xây dựng Đề án nghiên cứu, sản xuất, chế biến và tiêu thụ cỏ ngọt theo hướng công nghệ cao tại Việt Nam để phát huy lợi thế sẵn có của nước ta.

 

  

 

 Theo KTĐT

 

 

Các tin khác
Đang trực tuyến: 75
Lượt truy cập: 919681