Bản tin trong nước
Trồng cây cỏ ngọt thu hàng tỉ đồng trong tầm tay?
30/05/2012 13:43:23

Lợi nhuận từ lá cỏ ngọt chế biến ra đường là rất cao, mức thu không chỉ từ 150-200 triệu đồng/ha mà là hàng tỉ đồng, cao hơn nhiều so với một số cây trồng khác.

 

Trồng cây cỏ ngọt thu hàng tỉ đồng trong tầm tay?

 

 

Lợi nhuận từ lá cỏ ngọt chế biến ra đường là rất cao, mức thu không chỉ từ 150-200 triệu đồng/ha mà là hàng tỉ đồng, cao hơn nhiều so với một số cây trồng khác. Trao đổi với chúng tôi, GS Trần Đình Long – Chủ tịch Hiệp hội giống cây trồng Việt Nam, cho biết: "Cây cỏ ngọt Việt Nam và chế phẩm của nó sẽ có cơ hội xuất đi nhiều nước trên thế giới nếu chúng ta sản xuất và chiết xuất được".

 

 

 

Ông đánh giá thế nào về thị trường cỏ ngọt của Việt Nam hiện nay?

 

 

Cỏ ngọt không chỉ làm thực phẩm chức năng, mà còn làm mỹ phẩm, phân bón phun trên lá và phân sạch hữu cơ cho những sản phẩm chất lượng cao. Một số công ty của Peru, Canada, Hàn Quốc… sẵn sàng thu mua; riêng Hàn Quốc thu mua cả thân, lá cây cỏ ngọt làm phân bón hữu cơ để làm nông nghiệp sạch.

 

 

Hiện Việt Nam cũng có một số công ty như: Công ty Cổ phần Thương mại Toàn cầu Stevia, Công ty Cổ phần Phát triển Stevia Ventures, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Stevia Á châu… đang tham gia nhưng mới dừng ở mức độ tư vấn, là đầu mối cung cấp thông tin về dây chuyền, đầu ra (tức là đảm bảo bao nhiêu tấn lá khô có thể xuất khẩu được chứ chưa phải tổ chức sản xuất hay tiêu thụ trên quy mô lớn).

Việt Nam đã xuất cỏ ngọt qua đường tiểu ngạch sang các nước như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc. Các công ty kí hợp đồng mua với số lượng nhất định (10.000-15.000 tấn…) chứ chưa có ngành hàng xuất khẩu ổn định. Do ta chưa có vùng chuyên canh nên không thống kê được số lượng đã xuất khẩu.

GS.VS Trần Đình Long

 

 

 

 

Để thu được giá trị cao từ cây cỏ ngọt, chúng ta cần những gì, thưa ông?

 

 Cỏ ngọt ở Việt Nam chỉ hái lá khô để bán, làm thuốc bắc, nấu chè, hay sơ chế nên giá trị thật của nó chưa cao. Trong khi, theo tính toán, 10 kg lá khô =1kg đường, bán ra với giá 130-150USD/kg. Như vậy, lợi nhuận từ lá cỏ ngọt chế biến ra đường là rất cao, không chỉ thu được 150-200 triệu đồng/ha mà là hàng tỉ đồng, so với một số cây trồng khác.

 

Cây cỏ ngọt có thể thu được 5-6 tấn lá khô, thậm chí là 7-8 tấn/năm với 4-5 lần cắt. Nó có thể trồng được khắp nơi tại Việt Nam nhưng một số vùng thích hợp và tốt nhất là: Lâm Đồng (khí hậu tương đối mát), đồng bằng châu thổ sông Hồng, vùng núi phía bắc như Hòa Bình…

 

Sau khi chọn vùng trồng, tiếp đến cần chọn giống tốt, cần có quy trình nhân giống cỏ ngọt và đặc biệt, phải sử dụng công nghệ cao, liên tục cải tiến để duy trì cây giống sạch bệnh cho sản xuất cỏ ngọt đại trà.

 

Một trong những điều tiên quyết nhất là phải có dây chuyền chế biến cỏ ngọt thành đường. Tuy nhiên, dây chuyền chủ yếu chỉ có ở Canada, Đức, Paraguay, Peru. Do vậy, Việt Nam cần nhập dây chuyền chế biến tối thiểu từ 3-5 triệu USD (60-100 tỉ đồng) mới có thể chế ra 60 tấn đường/năm, như vậy sẽ đạt được lợi nhuận cao nhất.

 

 

Theo GS, để thu lợi cao từ việc đầu tư cây cỏ ngọt, chúng ta cần có dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, việc đầu tư một dây chuyền là khá nhiều tiền. Vậy, để có thể thu hồi vốn nhanh sẽ cần thời gian bao lâu?

 

 Mục tiêu tốt nhất của cây cỏ ngọt không chỉ là bán lá khô mà vừa làm lá khô nhưng phải có dây chuyền sản xuất. Dây chuyền chỉ cần đầu tư trong 2-3 năm là thu hồi vốn. Bài toán hiện nay là phải làm từ A-Z vì diện tích không lớn, khoảng 200-400ha là đủ một dây chuyền. Dây chuyền chỉ cần lắp đặt trong 6 tháng.

 

 

 

 

Thực ra ở Hải Dương, người dân đã thu được lợi nhuận từ cỏ ngọt hàng chục năm nay rồi, ngay ở Hà Nội có nhà chỉ bán cây giống, thu hơn 500 triệu/năm. Làm cỏ ngọt không khó nhưng lại đòi hỏi công nghệ cao, trong khi nông dân của mình là nông dân theo công nghệ thấp, nên doanh nghiệp phải biến họ thành công nhân, đào tạo bài bản về quy trình thực hiện thì ta mới có thể làm được cỏ ngọt giá trị cao.

 

 

Giống tốt sẽ tạo ra cây cỏ ngọt có chất lượng cao. Vậy chúng ta cần làm theo quy trình thế nào để có giống tốt, thưa ông?

 

 Cỏ ngọt không phải cây lương thực nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa chú ý đúng mức, Bộ Y tế cũng chưa coi cỏ ngọt là cây trọng điểm. Tuy nhiên, nó là cây có giá trị, phát triển được, phù hợp với nông nghiệp chất lượng cao, nông nghiệp hàng hóa và phù hợp với chủ trương chuyển từ nền nông nghiệp số lượng sang nền nông nghiệp chất lượng. Do đó, chúng ta nên có chiến lược đầu tư phát triển giống cây trồng này.

 

Để làm được điều này phải tập hợp các viện nghiên cứu tạo ra giống tốt, có quy trình nhân giống bằng công nghệ cao - Vi nhân giống/Công nghệ Invitro, và phải có quy trình sản xuất chuẩn vì chỉ cần bón sai phân, bón đạm thừa là không sử dụng được. Tiếp đến, cần phải có dây chuyền chế biến đường để vừa có thể bán lá khô, vừa có thể bán đường cho các nước trên thế giới.

 

Chúng ta đang hướng đến nông nghiệp chất lượng cao nên giống là phải có tiêu chuẩn, cây giống tốt. Giống cỏ ngọt đang có mặt ở Việt Nam chỉ là giống thương phẩm, tự nông dân làm ra. Việt Nam chưa có quy định quy chuẩn về chất lượng cho cây cỏ ngọt nên tiến tới phải tự xây dựng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cỏ ngọt. Tiếp theo là quy chuẩn về quy trình canh tác theo VietGap hoặc GlobalGap, đúng an toàn vệ sinh thực phẩm thì mới có kết quả tốt.

Cây cỏ ngọt tốt đưa lại giá trị cao cần giống có hàm lượng đường Rebaudioside A(Reb.A) trên 65%, lá khô phải có độ ẩm 10%, tỉ lệ cọng <5% và không có sự mất cân đối về phân bón, không được dùng thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Tuy nhiên, việc phân tích hàm lượng Reb.A của các phòng thí nghiệm Việt Nam hiện nay còn khó khăn, chỉ ở quy mô phòng thí nghiệm chứ chưa phải quy mô công nghiệp như các nước.

 

Các tin khác
Đang trực tuyến: 9
Lượt truy cập: 755205