Bội thu cỏ ngọt
08/02/2012 09:15:49
Xã An Vĩ( Khoái Châu- Hưng Yên) là địa phương thường xuyên ươm trồng cỏ ngọt từ đầu những năm 1990 đến nay, Kỹ sư Nguyễn Thị Biên- Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam là người con quê hương đã chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng và bao tiêu sản phẩm cỏ ngọt đầu tiên ở đây, ban đầu diện tích trồng chủ yếu ở thôn Trung, do hiệu quả sản xuất cao, đầu ra sản phẩm ổn định, nên bà con nông dân địa phương đã nhanh chóng mở rộng trồng cỏ ngọt ra hầu hết các thôn trong xã
Từ vài năm lại đây diện tích cỏ ngọt của xã ổn định khoảng 100 mẫu, trung bình mỗi xã cung ứng ra thị trường hơn 500 tấn sản phẩm cỏ ngọt các loại, doanh thu trên 10 tỷ đồng, hiệu quả sản xuất cao gấp 3 - 5 lần so với cấy lúa hoặc trồng một số cây màu trên cùng chân ruộng. Riêng năm 2011 này, bà con nông dân địa phương đã thu hoạch và đưa ra thị trường hơn 500 tấn cỏ ngọt, giá trị sản lượng đạt gần 20 tỷ đồng, trừ mọi chi phí vật tư còn lãi thu nhập trên 15 tỷ, sản phẩm làm ra nhà nông không phải lo đưa đi tiêu thụ xa, luôn có thương lái đến mua gom tại nhà, phương thức thanh toán nhanh gọn, thuận tiện.
Cánh đồng trồng cỏ ngọt ở Khoái Châu - Hưng Yên
Đáng chú ý, cỏ ngọt năm nay được giá khá cao, tại thời điểm bà con nông dân đang cân bán cho thương lái với giá 55 - 60 nghìn đồng/kg, cao gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Gia đình ông Nguyễn Văn Lân thôn Thượng trồng 4 sào cỏ ngọt, từ đầu năm đến nay đã thu hoạch được gần 100 triệu đồng giá trị sản phẩm, trừ các khoản chi phí: Giống, phân bón, thuốc BVTV còn lãi trên 60 triệu đồng. hầu hết các gia đình trồng cỏ ngọt trong xã đều đạt hiệu quả sản xuất cao tương đương gia đình ông Lân. Ông Trần Văn Đông (thôn Trung) là hộ nông dân chuyên canh cỏ ngọt từ năm 1994 đến nay cho biết: Để trồng cỏ ngọt đạt hiệu quả cao, quan trọng nhất là khâu tưới tiêu, cỏ ngọt là cây ưa ẩm, nhưng không chịu được ngập úng, vì vậy ruộng trồng cần đảm bảo dễ lấy nước tưới, đồng thời tiêu rút nước nhanh khi có mưa to, tuyệt đối không để ruộng cỏ bị úng ngập, kể cả ngập úng cục bộ cũng sẽ gây chết chòm, chết khoảng, giảm năng suất nghiêm trọng. Đất trồng cỏ ngọt phải chọn chân đất thịt nhẹ, không trồng cỏ ngọt trên đất cát pha, mất nước nhanh, cỏ sinh trưởng chậm, còi cọc, năng suất thấp. Kỹ thuật trồng cỏ ngọt tương tự như trồng rau muống cạn, làm đất lên luống cao hình mui rùa, tưới đẫm nước, tiến hành cấy cây giống, sau đó duy trì độ ẩm mặt luống luôn thấm đất, khi cỏ bén rễ hồi xanh bón thúc bằng phân bón lá, các loại N.P.K và tro bếp, chú ý phòng trừ một số đối tượng sâu bệnh: Sâu ăn lá, sâu xám, nhện trắng, rệp hại và các bệnh: Đốm vòng, vàng lá. Thu hoạch khi cây chớm có nụ hoa đầu tiên, dùng kéo cắt sắc cắt ngang thân cây để lại phần gốc 1-2 mầm nhánh, chăm sóc để cây phát triển cho thu hoạch lứa tiếp theo, chú ý, cần thu hoạch vào ngày nắng ráo để thuận tiện sơ chế: Băm, chặt ngắn, phơi khô trực tiếp dưới nắng mặt trời trên sân gạch, sản phẩm có thể xuất bán ngay hoặc bảo quản chờ được giá, nếu sau thu hoạch gặp mưa cần có giải pháp khắc phục, sấy qua lò hoặc bán sản phẩm tươi cho thương lái. Ông Nguyễn Trọng Giang Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã cho biết: Cây cỏ ngọt dùng chiết xuất lấy đường sử dụng trong công nghiệp chế biến nước giải khát cao cấp, ngoài ra trong cỏ ngọt còn có thành phần chất chống ung thư vòm họng, chữa bệnh tiểu đường, cao huyết áp, chống béo phì… nên hiện nay nhu cầu sản phẩm cỏ ngọt trên thị trường khá lớn, sản xuất tại địa phương không đáp ứng đủ nhu cầu mua gom hàng ngày của thương lái, nhưng quỹ đất phù hợp cho trồng cỏ ngọt của xã hầu như đã hết, để tăng năng suất và giá trị sản lượng cỏ ngọt bà con nông dân địa phương đang tích cực đầu tư thâm canh, cải tiến quy trình canh tác: Hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, tăng cường bón các loại phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh, phân bón qua lá, phòng trừ sâu bệnh bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Tuy nhiên do quá trình canh tác cây cỏ thường xuyên chịu ảnh hưởng của các yếu tố khí hậu cực đoan nên đến nay đang bị thoái hóa, mặt khác trong thời gian dài không có sự đổi mới giống, hàng năm bà con nông dân các cơ sở vẫn lấy cây thương phẩm từ vụ trước, nhân vô tính cho vụ sau, nên cỏ bị nhiễm khá nhiều loại sâu bệnh mới, khó phòng trừ triệt để bằng các loại thuốc BVTV sinh học, năng suất có chiều hướng suy giảm. Vì vậy địa phương rất cần phối hợp với cơ quan chuyên môn các cấp, tổ chức điều tra đánh giá lại đặc tính giống, khả năng chống chịu, đưa ra các giải pháp phòng ngừa hữu hiệu, đồng thời tiến hành phục tráng giống hoặc chuyển giao bộ giống mới giúp địa phương ngày càng gia tăng năng suất và giá trị sản lượng cỏ, tăng thu nhập cho nhà nông, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, thúc đẩy mở rộng mô hình ra nhiều địa phương khác trong tỉnh.