Các câu hỏi thường gặp về Stevia
Cỏ ngọt qua cái nhìn của các nhà khoa học phương Tây

Cho đến ngày nay, Cơ Quan Quản trị Thực Phẩm & Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) vẫn giữ quyết định không công nhận Stevia là một chất phụ gia. Lý do được đưa ra là chính phủ chưa thấy có bằng chứng và tài liệu khoa học nào đảm bảo một cách chắc chắn sự không độc hại của Stevia...

Dưới áp lực của quần chúng tiêu thụ cũng như của giới kỹ nghệ thực phẩm thiên nhiên, năm 1994 luật Dietary Supplement & Health Education Act cho phép Stevia được bán như 1 loại supplement dinh dưỡng.

Bộ Y Tế Canada (Canada Health) cũng có cùng 1 chính sách và quyết định giống như phía Chính phủ Hoa Kỳ. Ủy Ban Khoa Học Âu Châu về Thực Phẩm (The European Commission’s Scientific Committee on Food) cũng không công nhận Stevia là một chất phụ gia. Lý do được nêu ra là các hồ sơ nạp để xin cứu xét đều thiếu xót các dữ kiện về việc định chuẩn (standardization) chất stevioside, về độc tố học cũng như về tính chất an toàn của sản phẩm. 

Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) cũng như Cơ Quan Lương Nông (FAO) thuộc Liên Hiệp Quốc đều tỏ ra rất dè dặt đối với việc xem stevioside là một chất phụ gia. Năm 1998, Ủy Ban Chuyên môn về các chất phụ gia của WHO sau khi duyệt xét hồ sơ chất stevioside, đã đi đến kết luận là Ủy Ban không thể đề ra được khuyến cáo về liều lượng khả chấp thường nhật (Acceptable daily intake hay ADI), nghĩa  là số lượng của một chất chúng ta có thể ăn vào trong một ngày mà không gây hại đến sức khỏe. 

Center for Science in the Public Interest (CSP) Ià 1 tổ chức tư nhân nhằm bảo vệ sức khỏe của công chúng. Tổ chức này thường hay kiểm soát và chỉ trích gắt gao chính phủ cũng như giới kỹ nghệ thực phẩm Hoa Kỳ về những vấn đề then chốt trong sản xuất, chẳng hạn như sự hiện diện của trụ sinh, hormon và hóa chất trong thịt, vấn đề xạ chiếu thịt để diệt vi trùng …

Nhưng đối với cỏ Stevia, CSPI cũng đồng ý với Cơ Quan FDA chưa muốn thấy Cỏ ngọt trở thành 1 chất phụ gia. Theo Gs Ryan Huxtable thuộc đại học University of Arizona in Tuscon cho biết có nhiều thí nghiệm đã được thực hiện với chất ngọt stevioside. Xin nói rõ là người ta đã sử dụng những liều lượng khổng lồ để nuôi vật thí nghiệm.

Kết quả cho biết chất stevioside có thể ảnh hưởng đến hoạt động của chức năng sinh dục, như làm giảm số lượng tinh trùng ở chuột đực, giảm kích thước của tinh nang (seminal vesicle) là tuyến sản xuất tinh dịch, để ra những chuột con rất nhỏ, hoặc có thể dẫn đến tình trạng bất thụ (infertility). 

Ung thư cũng là 1 vấn đề khác có thể thấy xảy ra cho vật thí nghiệm. Chuyển hóa chất của stevioside là steviol có khuynh hướng mutagen nghĩa là làm thay đổi DNA trong tế bào và dẫn đến ung thư. Mối quan tâm cuối cùng là với liều lượng thật lớn, chất ngọt stevioside có thể làm xáo trộn sự biến dưỡng của chất bột đường (Carbohydrate) và làm gián đoạn việc chuyển hóa thực phẩm ra thành năng lượng trong tế bào.

Phe ủng hộ Stevia đã hét toáng lên và phản đối kịch liệt. Họ nói rằng các hiện tượng vừa nêu sẽ không thể nào xảy ra ở người được  vì trong thực tế hằng ngày chúng ta chỉ sử dụng những liều lượng stevioside rất thấp so với những nồng độ dùng để thí nghiệm ở loài chuột bạch và chuột đồng.

Đang trực tuyến: 9
Lượt truy cập: 755249