Quy trình làm giống cây cỏ ngọt
Nhân giống cỏ ngọt bằng phương pháp vô tính
01/10/2011 22:19:20

Sau hơn 2 năm khảo nghiệm và thực hành nghiên cứu đối với giống cỏ nhập ngoại, Công ty CP Stevia Ventures đã thành công trong việc xây dựng các quy trình, đặc biệt quan trọng là quy trình nhân giống bằng phương pháp vô tính ( giâm cành) nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn để xây dựng vùng nguyên liệu cỏ ngọt.

 

 

2.2.1. Chuẩn bị nguồn cây mẹ sạch bệnh:

 Cây mẹ sạch bệnh là cơ sở đầu tiên và rất quan trọng để có được những mầm cây khỏe mạnh đưa vào làm giống. Vườn cây mẹ cần được trồng cách xa những cây trồng khác, tránh trường hợp dễ lây lan bệnh qua gió, hoặc các nguy cơ khác. Việc chăm sóc vườn cây mẹ để làm giống tuân thủ kỹ thuật phức tạp hơn so với trồng cây thương phẩm, tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong vườn cây mẹ làm giống là phương pháp kỹ thuật nhằm tạo tán cho cây ngay từ khi sau trồng khoảng 15 ngày.

 2.2.2. Tiêu chuẩn mầm giâm:Mầm tiêu chuẩn là mầm khoẻ mạnh; bánh tẻ (tức là không quá non và quá già); không bị nhiễm sâu bệnh; không có nụ hoa. Chiều dài mầm cắt từ 5cm-7cm, tương đương với 4-5 cặp lá/mầm. Mầm để giâm phải được cắt vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát để tránh cho mầm không bị héo nước. Mầm sau khi cắt xong phải xử lý để giâm ngay, bảo quản nơi râm mát. 1 tuần trước khi có kế hoạch cắt mầm không được bón phân hoặc phun phân bón lá, hoặc tưới đạm loãng vì mầm tích nước sẽ không tốt cho quá trình giâm cây con.

 2.2.3. Xử lý  mầm trước khi giâm: Sử dụng kéo để cắt mầm, chú ý trước khi sử dụng vào từng công đoạn cần khử trùng kéo bằng nước muối nhẹ tránh việc gây bệnh qua các vết thương cơ giới của mầm giâm. Bó mầm thành từng bó vừa tay, tuốt các cặp lá phía thân dưới ,  chỉ để lại 2 đôi lá thật ở phần ngọn, tránh làm tổn thương đến những mầm nhỏ ở nách lá và làm bầm dập những đôi lá còn lại. Sau khi cắt mầm để tạo độ đồng đều cho mầm giâm, nhúng phần cắt vào dung dịch khủ trùng ngay.

* Lưu ý:  Do lượng mầm mỗi lần xử lý lớn nên cần xếp mầm thành những bó nhỏ để tiện cho việc xử lý thuốc và việc giâm sau này.

- Quy cách:  Mỗi bó khoảng 30 mầm (để dễ thống kê số lượng), được buộc bằng dây nịt. Xếp các mầm dài với nhau, mầm ngắn với nhau; xếp đều phần ngọn sau đó dùng 2 sợi dây nịt buộc giữ phần gốc và phần lá ngọn. Xếp và bó thành từng bó phải thẳng, dây nịt ở phần gốc buộc thấp, tránh buộc vào phần thân non làm dập, thối mầm, dây nịt ở trên buộc vừa phải, thao tác nhẹ nhàng, cẩn thận tránh làm dập lá, đứt lá, gãy mầm…

2.2.4 Xử lý thuốc kích thích ra rễ: Nhằm mục đích xử lý Auxin ngoại sinh cho mầm, kích thích mầm hình thành và phát sinh rễ mới ở vị trí được nhúng thuốc. Các loại thuốc ra rễ thường dùng: Super Roots, …..

Tỷ lệ pha - thời gian xử lý:

  • Tỷ lệ          1thuốc : 1nước à  thời gian nhúng: 5s
  • Tỷ lệ          1thuốc : 2nước à thời gian nhúng: 10s
  • Mầm sau khi xử lý ra rễ được bỏ ra ngoài cho đến khi khô ráo hết phần thuốc dính ở bên ngoài mới tiến hành xử lý thuốc nấm trước khi đưa đi giâm vào giá thể.  Mục đích ngăn chặn các loại nấm xâm nhập gây bệnh cho mầm ở giai đoạn mầm rất yếu và dễ mẫn cảm với nấm bệnh.

 2.2.5  Gía thể giâm cây:  Mầm Cỏ ngọt có thể giâm trên nhiều loại giá thể khác nhau như: Cát non, trấu hun, xơ dừa, hỗn hợp cát-xơ dừa, hoặc giâm trực tiếp trên đất phù sa….Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí, thông thường người ta tiến hành giâm trên 2 loại giá thể chính là cát non ẩm và hỗn hợp cát/xơ dừa (tỷ lệ 1:1). Trong đó giá thể hỗn hợp 50% cát non : 50% xơ dừa là hiệu quả hơn cả vì giàu dinh dưỡng hơn và khả năng giữ ẩm tốt hơn nên cây giống xuất vườn khoẻ hơn gía thể giâm là cát ấm 100%. Phương pháp giâm bằng cát vẫn đủ điều kiện cho cây khỏe mạnh nếu chắm sóc tốt nhưng trong trường hợp cây con chờ trong giai đoạn ra vườn mà cần kéo dài thời gian ở trong vườn ươm thì giá thể dạng cát ẩm 100% sẽ không tốt vì không đủ cung cấp dinh dưỡng cho cây con ở giai đoạn phát triển.

-          Xử lý giá thể trước khi giâm mầm: là công việc rất quan trọng trong khâu chuẩn bị, quyết định đến 80% việc mầm giâm đưa vào vườn ươm có đảm bảo sống, phát triển bình thường hay không.

-          Giá thể giâm lần đầu: ta dàn mỏng giá thể ,nhặt sạch tàn dư thực vật và gạch đá...; dưới tác dụng của ánh nắng mặt trời và gió làm giá thể khô đồng thời tiêu diệt một phần mầm sâu bệnh. Nhìn chung giá thể giâm lần đầu khá sạch, tỉ lệ giâm rất cao (90-100%). Riêng giá thể xơ dừa, trước khi giâm ta nên ngâm xơ dừa trong nước sạch và thay nước 1 lần/ngày, ngâm trong khoảng 3-5 ngày để giảm bớt hàm lượng chất chát (tanin, các chất độc...) trong sơ dừa.

-          Giá thể giâm các lần tiếp theo: thường thì tỉ lệ giâm giảm dần qua các lần sử dụng giá thể. Để diệt trừ mầm bệnh, ta trộn đều giá thể cũ với vôi bột (lượng vôi bột 1-2 kg/khối) và thuốc nấm (có phổ tác dụng rộng như Topsin M 75 WP, Ridomil 68WP....) và phơi giá thể dưới ánh nắng mặt trời. Tùy từng điều kiện giá thể để có những phương pháp xử lý khác nhau, tuy nhiên, phương pháp đơn giản và ít chi phí nhất vẫn là đảo đều giá thể, sàng lọc các tàn dư cũ, phơi nắng và bổ xung vôi bột để xử lý kiềm khi cần thiết.

2.2.6           Điều kiện giâm cây: Vườn giâm có thể làm dạng các luống dài, có thể giâm trong các túi bầu, giâm trong khay giâm hoặc giâm trực tiếp xuống đất phù xa. Ở mỗi điều kiện giâm cây, chúng ta cần có những chế độ chăm sóc và dinh dưỡng khác nhau để cây con xuất vườn đạt tiêu chuẩn.

-  Ở điều kiện giâm trong luống cát non: Bên cạnh việc cung cấp dinh dưỡng qua giá thể, chúng ta cần quan tâm đến việc cung cấp dinh dưỡng thường xuyên và đầy đủ qua lá, tránh việc làm cây con thiếu dinh dưỡng dẫn đến cây yếu và khó có khả năng xuất vườn.

Tùy từng thời điểm khác nhau để xác định thời gian để cây con có thể xuất vườn. Nếu thời tiết thuận lợi, cây con có thể xuất vườn sau 15 ngày trong vườn ươm, tuy nhiên để cây cứng cáp và bộ rễ phát triển khỏe mạnh thì có thể chăm sóc trong vườn ươm đến 25 ngày.

Vào thời điểm thời tiết không thuận lợi như quá nóng hoặc quá lạnh, điều kiện thích ứng của cây con gặp khó khăn hơn, tuy nhiên, nếu các khâu chuẩn bị tốt vẫn có thể giâm cây được. Tỷ lệ sống phụ thuộc vào quá trình chăm sóc và chế độ dinh dưỡng hợp lý.

- Ở điều kiện giâm cây vào khay giâm: Cần chuẩn bị giá thể ban đầu thật tốt, vì ở điều kiện này, mỗi cây con có một lượng dinh dưỡng như nhau nên cây xuất vườn thường cho tỷ lệ cao và rễ khỏe. Cây xuất vườn ở hình thái giâm trong khay giá thể rất tốt. Tuy nhiên, chi phí ban đầu cho việc giâm cây ở điều kiện này cao hơn so với giá thể cát non hoặc giá thể cát non – sơ dừa, bên cạnh đó, việc đánh cây ra trồng cũng mất nhiều thời gian hơn.

2.2.7  Kỹ thuật giâm cây con: Vườn giâm có thể làm dạng các luống dài, có thể giâm trong các túi bầu, giâm trong khay giâm hoặc giâm trực tiếp xuống đất phù xa. Ở mỗi điều kiện giâm cây, chúng ta cần có những chế độ chăm sóc và dinh dưỡng khác nhau để cây con xuất vườn đạt tiêu chuẩn. Thời gian giâm mầm tốt nhất là vào buổi sáng sớm hoặc buổi chiều mát, tránh thời điểm trưa nắng vì lúc nầy mầm đã tách khỏi cây mẹ rất yếu, rất dễ bị thương tổn như héo nước, nấm bệnh… khó phục hồi và khó ra rễ.   

Bước 1: Tưới ẩm cho bề mặt luống giâm.

Bước 2: Dùng giầm rạch tạo hàng trên mặt luống.

Bước 3: Cắm từng mầm xuống hàng vừa rạch, mầm đứng thẳng,  sau khi cắm hết hàng thì ta dùng cườm tay ấn chặt giá thể chỗ gốc mầm, tránh làm dập gãy mầm.

Mật độ giâm: Mầm cách mầm từ 1,5-2 cm, hàng cách hàng 3-5 cm. Tùy vào kích thước mầm và vụ giâm mà ta thay đổi mật độ cũng như cách tuốt lá.

+ Vào vụ Thu – Đông: trời lạnh và khô, ánh sáng yếu, nấm bệnh khó phát triển hơn, ta giâm mật độ dày (để giữ ấm cho luống giâm), số lá để lại nhiều (3-4 cặp lá).

+ Vào vụ Xuân – Hè: trời nóng ẩm, nhiều nấm bệnh, ta chỉ để lại 2 đôi lá thật (lá to) hoặc 3 đôi (lá bé), giâm thưa hơn, có thể nhìn được giá thể giâm, hàng cách hàng có thể 7-8 cm.

Sau khi giâm cây, giữ ẩm và che phủ trong thời gian đầu là yếu tố quan trọng để mầm bật rễ và hồi xanh trở lại. Chú ý sử dụng bình tưới có đầu doa nhỏ, tránh việc tưới nước sẽ làm mầm giập hoặc héo rũ vì mầm mới giâm ở trong tình trạng rất yếu.

2.2.8 Chế độ dinh dưỡng cho cây con trong vườn giâm: Tùy từng loại giá thể giâm để quyết định chế độ dinh dưỡng bổ sung cho cây con trong giai đoạn vườn giâm. Tuy nhiên, do thời gian trong vườn giâm ngắn, vào mùa thích hợp khoảng 15-20 ngày, mùa đông kéo dài hơn khoảng từ 35-40 ngày, chính vì vậy, việc bổ sung dinh dưỡng cho cây chủ yếu sử dụng các chế phẩm dinh dưỡng qua lá như phân bón lá 502, Komic…

Trong vườn giâm, việc sử dụng phân bón phải hết sức cẩn thận vì cây con còn yếu, khả năng hấp thụ dinh dưỡng qua rễ kém, chủ yếu là dinh dưỡng tích lũy trong thân lá. Trước khi cây con ra rễ tuyệt đối không bón phân qua rễ, nếu không có thể dẫn đến cây con chết hàng loạt.Khoảng 10-12 ngày sau giâm ta nên phun thuốc kích thích ra rễ (dùng để ngâm mầm) cho mầm giâm để kích thích rễ ra nhanh và nhiều hơn, tăng tỉ lệ cây ra rễ. Khi cây con bắt đầu ra rễ thì ta có thể phun phân bón lá kết hợp với các lần phun thuốc nấm thuốc nấm để kích thích cây phát triển, đặc biệt là bộ rễ.

Về mùa đông, cây con trong vườn giâm rất nhanh ra hoa, vì vậy, trước khi xuất vườn 5-6 ngày ta dùng kéo sắc cắt hết hoa và nụ của cây con trong vườn, sau đó ta phun hỗn hợp dung dịch gồm phân bón lá và nước Javen diệt khuẩn (1%) lên toàn bộ diện tích cây vừa cắt hoa. Chú ý, ta phải phun ngay sau khi cắt, không để qua đêm hay cách nhật mới phun.

Trước khi cây xuất vườn 3-5 ngày, ta ngâm phân bón tổng hợp NPK với lượng 50g/bình doa 8 lít (khoảng 1 nắm tay), loại có hàm lượng Đạm – Lân – Kali xấp xỉ nhau như 15-15-15, 12-10-10…..để tưới. Chú ý, sau khi tưới phân ta tưới lại bằng nước sạch để tránh làm cây bị xót phân chết.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh độ ẩm trong vườn giâm cũng rất quan trọng, nếu độ ẩm quá cao sẽ dẫn đến việc cây con dễ bị nấm bệnh, ảnh hưởng đến quá trình ra rễ của cây. Chăm sóc cây con trong giai đoạn này rất quan trọng, nó quyết định việc khi đưa cây con ra vườn có đảm bảo về các điều kiện sinh trưởng và phát triển hay không.

Chú ý: Khi xuất hiện bệnh hoặc các cây con bị chết trong vườn giâm thì phải tiến hành nhổ bỏ và vệ sinh khu vực ngay để tránh việc lây lan sang các cây khỏe khác.

2.2.9           Sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật trong vườn giâm:

Trong vườn giâm thì cây con chủ yếu bị nhiễm bệnh hơn là bị sâu tấn công. Trên thực tế thì thấy rất ít sâu trong vườn ươm, nếu có thì chỉ là rệp vừng và sâu xanh ăn lá.

Nguồn gốc sâu bệnh trong vườn ươm:

+ Mầm đưa vào giâm không sạch mầm mống sâu bệnh.

            + Đất, giá thể giâm, nước tưới không sạch trước khi sử dụng;

            + Côn trùng bay vào vườn giâm đẻ trứng khi ta mở lưới, bạt để cây con quang hợp.

Để cây con sạch sâu bệnh xuất vườn, tăng tỉ lệ sống khi đưa ra đồng ruộng thì ta cần thực hiện nghiêm ngặt quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong vườn giâm như sau:

  * Phun lần đầu (Sau giâm 1 – 3 ngày): Dùng thuốc có chứa hoạt chất Chlorothalonil như Arygreen 75WP (nếu trời rét, giúp cứng cây, chống thối), hoặc 1 số loại thuốc diệt nấm phổ rộng như Vicarben 70BTN, Topsin M 75WP… có tác dụng chống thối, chống nấm cho mầm mới giâm, hoặc thuốc trừ nấm sinh học như ThumB, Olicide 9DD, Ketomium có tác dụng chống nấm và tăng sức đề kháng cho mầm giâm.

                * Lần 2 (phun sau khi giâm khoảng 7 ngày): cũng dùng các loại thuốc trên.

  * Lần 3 (phun sau giâm khoảng 12-15 ngày): có thể kết hợp với phân bón lá để kích thích rễ phát triển cũng như làm cây khỏe hơn.

* Trước khi cây xuất vườn 3-5 ngày, ta cắt tỉa hoa của cây con trong vườn chuẩn bị xuất vườn rồi phun 1 lượt thuốc nấm lần cuối, các loại thuốc chứa Carbendazim, Mancozeb, gốc đồng… như Vicarben 70BTN, Topsin M 70WP. Nếu trong vườn giâm xuất hiện rệp và sâu ăn lá ta cũng tiến hành phun thuốc, sử dụng các loại thuốc trừ sâu sinh học, thảo mộc như EmaVua….

 2.2.10       Chế độ che phủ trong thời gian giâm cây: Vật tư che phủ sử dụng trong vườn giâm:

- Bamboo (  Vòm che): Có thể làm bằng nhiều chất liệu khác nhau tùy thuộc vào điều kiện đầu tư, thông thường hay sử dụng tre, nứa cho việc làm các vòm che chắn nắng cho cây con trong vườn giâm. Tuy nhiên, mặc dù chi phí làm bamboo bằng tre nứa rẻ, dễ làm nhưng thời gian sử dụng lại ngắn, và khó trong việc thao tác bởi bamboo bị hư hỏng sau một thời gian chịu áp lực bởi thời tiết.

- Bamboo bằng nhựa dẻo, lõi kim loại nhập khẩu từ nước ngoài về: Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cao, xong việc sử dụng bamboo bằng nhựa dẻo rất thuận tiện, khỏe chắc và cơ động trong vườn giâm. Kích thước luống giâm trong phạm vi cho phép đều sử dụng linh hoạt được bởi độ  dẻo và đàn hồi của bamboo và đặc biệt, bamboo loại này không bị ảnh hưởng của thời tiết, độ bền khi sử dụng có thể lên đến 10 năm.

- Lưới đen che phủ luống giâm:

Vào mùa hè, nhiệt độ luôn tăng cao, việc sử dụng lưới đen để che phủ luống giâm làm giảm cường độ ánh sáng và nhiệt độ là yếu tố rất quan trọng. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại lưới đen chất lượng khác nhau, tuy nhiên theo thực tế sử dụng thì loại lưới đen có độ che phủ 80% sử dụng tốt nhất cho cây con trong mùa hè

- Nilon trắng che phủ luống giâm:

Nilon trắng sử dụng trong mùa đông lạnh và thời điểm thời tiết se hanh để tạo ra vùng tiểu khí hậu trong vườn giâm đảm bảo về độ ẩm, tăng cường độ hấp thụ ánh sáng  và tránh sự xâm nhập của côn trùng gây bệnh. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết như vậy, phủ nilon trắng để giúp cho mầm giâm có tỷ lệ ra rễ cao và ra rễ sớm. Tuy nhiên, sau khi cây bắt đầu có rễ cần chế độ chăm sóc và bổ sung chất dinh dưỡng hợp lý, thời điểm này cần bỏ nilon phủ để cây dần thích ứng với điều kiện bên ngoài.

- Dùng bạt che phủ luống giâm:

         Về vụ Xuân – Hè ta nên làm phương án che kép: Dùng bạt che lên vòm bamboo khi trời mưa rào; dùng nhà bạt hoặc nhà lưới đen, cách mặt luống từ 1-1,5m để che khi trời nắng vì nếu dùng bạt hoặc lưới đen che lên vòm bamboo thì nhiệt độ bên trong luống giâm rất cao, có thể làm cây héo và không thể phục hồi. Khi trời bắt đầu mát ta bỏ bạt để cây có thể quang hợp đồng thời không khí thoáng mát giúp cây hạn chế bị nấm bệnh. Khi đêm xuống ta cũng bỏ bạt che.

          Khi cây bắt đầu nhú rễ, khoảng 8-11 ngày sau giâm (tùy điều kiện thời tiết) ta bắt đầu bỏ hẳn bạt che.

          Nếu trời mưa to, cần dùng bạt che kín luống, tránh để nước mưa xối thẳng vào luống làm mầm giâm hay cây con có thể bị lật gốc, dập thân lá, bị sũng nước và thối.

         Tỷ lệ ra rễ và tỷ lệ sống trong vườn giâm tùy thuộc rất nhiều vào thời điểm giâm mầm, thời tiết, cách xử lý mầm giâm, nguồn mầm từ vườn cây mẹ, cách thức chăm sóc sau giâm, chế độ dinh dưỡng hợp lý và phương pháp xử lý khi phát hiện bệnh.

 

 

 

Các nghiên cứu khác
Đang trực tuyến: 9
Lượt truy cập: 755075